Featured Post

[Đánh Giá] Inmotion Hosting: Dịch vụ chăm sóc khách hàng xuất sắc

Mình đã sử dụng Inmotion Hosting vài năm nay. Từ ngày đầu tiên, mình đã rất ấn tượng với những tính năng như FREE SSD, Unlimited Website, Un...

6 thói quen dùng máy tính không an toàn

Dưới đây là những thói quen có thể gây hại khi sử dụng máy tính.

Xem phim hoặc các chương trình TV “lậu"

Hiện nay, bạn có thể xem phim miễn phí, chấp nhận giảm chất lượng hiển thị so với bản chiếu rạp hoặc trả phí. Thế nhưng, chính những dịch vụ phát sóng hay stream phim lại là cơ hội để kẻ gian lợi dụng thả malware vào máy tính của bạn.
Nguy cơ này còn tăng cao hơn nữa khi bạn quyết định tải phim về thay vì xem trực tuyến mà không biết rõ về nguồn gốc cũng như đơn vị đã đăng tải file phim đó. Để tấn công người dùng, hacker hoàn toàn có thể lợi dụng những website chuyên cung cấp phim miễn phí. Khi click quảng cáo hấp dẫn như “Click vào đây để xem miễn phí những bom tấn mới nhất”, máy tính của bạn có thể nhiễm malware.

Giải pháp tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ này là bạn chấp nhận bỏ ra một khoản tiền nhỏ mỗi tháng cho các dịch vụ stream phim uy tín. Nếu vẫn muốn xem phim miễn phí, bạn nên nắm chắc thông tin về nguồn gốc và mức độ an toàn của các website mà mình truy cập. Bạn cũng có thể sử dụng phần mềm diệt virus, malware để quét các file ngay sau khi tải về, đồng thời hãy tránh xa các quảng cáo hiển thị trên những trang phim mà bạn thường truy cập.

Không thường xuyên cập nhật phần mềm

Đây là một sai lầm vô cùng tai hại mà đa số người dùng máy tính hiện nay đều mắc phải. Nếu không cập nhật, đồng nghĩa với việc bạn phải sống chung với những lỗ hổng bảo mật mới mà hacker có thể lợi dụng và tấn công bất kỳ lúc nào.

Chia sẻ tài khoản cho người khác

Bạn có thể tự tin rằng chiếc máy tính của mình được cài đặt những phần mềm bảo mật cao cấp nhất. Thế nhưng còn người thân, bạn bè của bạn thì sao? Khi họ đăng nhập vào tài khoản chung, bạn có chắc rằng thiết bị mà họ đang sử dụng cũng cài đặt phần mềm diệt virus như bạn hay không? Bên cạnh đó, những người “gà mờ” về công nghệ cũng rất dễ bị mắc lừa bởi những quảng cáo pop-up, qua đó gián tiếp để lộ thông tin về tài khoản chung mà bạn và họ đang cùng sử dụng.

Nói cách khác, tài khoản của bạn càng được sử dụng trên nhiều thiết bị thì nguy cơ gây ra lỗ hổng bảo mật lại càng cao. Vì vậy, hãy luôn nắm chắc danh sách những người có thể truy cập vào tài khoản của bạn và thay đổi mật khẩu theo chu kỳ hoặc khi cần thiết.

Coi nhẹ việc quét USB

Với sự phát triển của công nghệ đám mây hiện nay, vai trò của USB không còn quá quan trọng như trước đây nữa. Tuy nhiên, đây vẫn là một thiết bị “chữa cháy” trong những tình huống khẩn cấp, không có kết nối mạng. Vì thế, tốt nhất nên để ý mỗi khi sử dụng USB, đặc biệt là những chiếc USB đã được sử dụng trên nhiều thiết bị khác.

Đa số chúng ta có thói quen cắm USB vào máy tính và sử dụng ngay lập tức mà không thực hiện quá trình quét virus. Tuy nhiên, virus và malware đặc biệt thích ẩn mình trong USB để có thể dễ dàng lây lan qua nhiều thiết bị. Do đó, nếu không sử dụng một chiếc USB hoàn toàn mới, bạn nên dành ra một chút thời gian để quét virus trước khi bạn copy bất cứ file nào từ USB sang thiết bị của mình.

Đặt mật khẩu quá đơn giản, dễ đoán

Nếu những mật khẩu mà bạn sử dụng quá đơn giản, dễ đoán thì cũng có thể tạo cơ hội để hacker tấn công và khai thác thông tin. Mật khẩu có quá ít kí tự hoặc quá đơn giản cũng có thể tạo ra nhiều nguy cơ về bảo mật. Theo nghiên cứu, bạn nên đặt mật khẩu có độ dài ít nhất là 8 kí tự để khiến quá trình tấn công diễn ra khó khăn và tốn thời gian hơn.

Không che micro và webcam máy tính

Mặc dù không phải là phương thức tấn công phổ biến nhưng cũng đã xảy ra không ít trường hợp kẻ gian lợi dụng webcam/camera và micro trên các thiết bị điện tử để theo dõi hoạt động của người dùng. Vì thế, bạn nên lấy một miếng băng dính nhỏ để che camera và đầu micro của máy tính lại sau khi sử dụng xong.

Bạn có thể cho rằng chẳng có ai rảnh rỗi theo dõi hoạt động hàng ngày của bạn và tặc lưỡi: “Chắc nó chừa mình ra”. Nhưng phải khẳng định, đây là phương thức tấn công hoàn toàn có thật và đã từng xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét